Lượt xem: 574

Công tác chăm lo cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm gần đây các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để chống phá trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã chăm lo tích cực cho đời sống người dân nông thôn, từ đó không ngừng củng cố lòng tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

 


Người dân vui mừng khi tuyến đường giao thôn nông thôn vào ban đêm có đèn chiếu sáng. 

 

    Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Với ý nghĩa, vai trò quan trọng như vậy, xuyên suốt lịch sử, từ khi Đảng ta được thành lập cho đến nay, Đảng luôn chủ trương phải phát triển nông nghiệp, nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống của người nông dân. Rất nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về vấn đề này đã được Đảng ta ban hành, trong đó có Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau gần 15 năm kể từ thời gian Nghị quyết số 26-NQ/TW ra đời, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, nông thôn cả nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhiều chỉ số phát triển đã theo kịp và vượt các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nổi bật, kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn. Nền nông nghiệp tiếp tục phát triển ngày càng đi vào chiều sâu, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Chuyển biến rõ rệt nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia.

    Tuy nhiên, nông thôn Việt Nam luôn là địa bàn trọng yếu thường xuyên bị các thế lực thù địch dòm ngó, lợi dụng để chống phá Đảng. Đặc biệt, đối với địa bàn tỉnh Sóc Trăng, là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số và vị trí địa lý có đường bờ biển dài. Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch trong và ngoài nước thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo để tập trung đẩy mạnh các hoạt động chống phá, gây đe dọa đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng này, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, trong đó việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn được xem là một trong những giải pháp hàng đầu. Từ đó, đã ngăn chặn, làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị để xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

    Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thực hiện triển khai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ cuối năm 2010. Xuyên suốt thời gian qua luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược hàng đầu trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, chính trị và trật tự an toàn khu vực nông thôn. Sau gần 13 năm triển khai thực hiện, tính đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã có 64/80 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 31 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số về đích xã nông thôn mới), có 16 xã đã nâng chất đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đều đạt trên 15 tiêu chí, có 03 đơn vị cấp huyện là thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Những kết quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thực sự làm khởi sắc diện mạo nông thôn, chăm lo tích cực cho đời sống người dân. Bộ mặt nông thôn với cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng đồng bộ, khang trang, các công trình giao thông nông thôn được đầu tư rộng khắp, xã nối liền xã, ấp nối liền ấp đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về nông thôn. Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, tưới tiêu nước chủ động cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Điện thắp sáng rộng khắp địa bàn nông thôn, không còn tình trạng thiếu điện cho người dân sản xuất và sinh hoạt. Mạng lưới trường lớp được phủ rộng khắp trên địa bàn các xã, công tác xóa mù chữ đạt hiệu quả cao, công tác phổ cập giáo dục tiểu học tiếp tục được duy trì, củng cố, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hệ thống cơ sở y tế nông thôn trong những năm qua tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả của y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh cho người dân nông thôn. Mạng lưới công trình cấp nước tập trung được đầu tư, nâng cấp, đưa nước sạch về đến từng hộ gia đình. Công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, nhiều mô hình cải tạo cảnh quan được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế, như mô hình tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, tuyến đường hoa, chung tay đưa ánh sáng về nông thôn,… xây dựng nông thôn Sóc Trăng thành những vùng quê đáng sống.

    Xác định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân nông thôn là mục tiêu trọng tâm nhất trong triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh ta đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng. Đẩy mạnh phát triển lúa đặc sản, cây ăn trái đặc sản, hướng tới thị trường xuất khẩu, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Nổi bật nhất là sản xuất lúa đặc sản đã đạt gần 53% diện tích, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 226,25 ha, sản xuất lúa hữu cơ đạt 7.752 ha, tổng diện tích lúa được liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt 53.283 ha (có 104 công ty, doanh nghiệp, thương lái tham gia); sản xuất rau màu theo hướng an toàn tiếp tục tăng; cây ăn trái bước đầu đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (154 tấn vú sữa, 03 tấn thanh nhãn), xây dựng 14 vùng trồng được cấp 44 mã code với diện tích 420,3 ha/420 hộ và 04 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trên cây vú sữa, xoài, bưởi, nhãn; toàn tỉnh có 189 sản phẩm OCOP. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2022 đã đạt 224 triệu đồng/ha. Đời sống vật chất của hộ gia đình nông thôn đang dần thay đổi rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng hàng năm. Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm lồng ghép các nguồn vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây con giống, dụng cụ nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo để phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm (giai đoạn 2011 - 2020, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 185.397 lao động, đưa 3.452 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,06%, số người có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%) và nhiều giải pháp khác đã góp phần tăng dần mức sống dân cư ở các vùng khó khăn. Với nhiều nỗ lực, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng năm giảm từ 2 - 3%; tính đến cuối năm 2022, khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh còn 11.146/234.862 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,75%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 5.219/81.526 hộ, chiếm tỷ lệ 6,4% (theo chuẩn nghèo đa chiều).

    Bên cạnh đó, các hoạt động chăm lo đời sống văn hóa cho người dân nông thôn đặc biệt được quan tâm. Cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt của người dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi và phát triển, thúc đẩy du lịch phát triển. Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành được một số mô hình du lịch nông thôn, kết hợp hài hoà giữa giá trị văn hoá, du lịch và kinh tế như homestay Chợ nổi Ngã Năm, Sân Tiên Farmstay, Khu du lịch sinh thái Apsara, Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên, du lịch sinh thái Cồn Mỹ Phước,…. Công tác cải cách hành chính được tăng cường đẩy mạnh theo hướng ngày càng phục vụ tích cực cho người dân. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” khu vực nông thôn có bước phát triển mới, khơi dậy sức mạnh của nhân dân, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc trong tôn giáo tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự.

    Trong gần 13 năm, tỉnh đã huy động được khoảng 11.267 tỷ đồng triển khai thực hiện Chương trình. Nổi bật là ngân sách cấp tỉnh dù vẫn còn khó khăn đã ưu tiên cân đối, hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện khoảng 466 tỷ đồng để tập trung hoàn thiện hạ tầng cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm và thực hiện các công trình giao thông đảm bảo được từ 50% vốn ngoài ngân sách, điều này thực sự trở thành “động lực” quý báu giúp huy động các nguồn lực khác cho xây dựng nông thôn mới nhất là nguồn lực xã hội. Với những kết quả tích cực đã mang lại hiệu quả tích cực cho kinh tế - xã hội nông thôn, đặc biệt là đời sống người dân nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ngày càng chứng minh được đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện ý Đảng lòng dân.

    Tin rằng, với những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong công tác chăm lo cho nhân dân, nhất là người dân khu vực nông thôn sẽ ngày càng củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ để chống lại những luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, góp phần gìn giữ và phát triển đất nước ta ngày càng phồn vinh, xây dựng nông thôn Việt Nam ngày càng văn minh, hiện đại.

Thanh Thúy



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 8333
  • Trong tuần: 79,040
  • Tất cả: 11,802,360